Tăng giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo
Sự cần thiết lập đề án
Là vựa lúa của cả nước, sản lượng lúa sản xuất tại vùng ĐBSCL những năm gần đây ổn định khoảng 24 -25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, đóng góp chủ lực vào mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thúc đẩy công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.
Theo Cục Trồng trọt, sản xuất lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội như nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Ngành lúa gạo có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại mới như TPP, liên minh thuế quan…
Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh thấp; thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp và không tương xứng so với thu nhập của tác nhân trong kinh doanh, xuất khẩu gạo. Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt là thâm dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, là nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm và tăng phát thải khí nhà kính còn chiếm tỷ lệ cao.
Đơn vị sản xuất lúa hiện nay chủ yếu vẫn là hộ gia đình quy mô nhỏ, phân tán, áp dụng phương thức sản xuất truyền thống, đang là trở ngại lớn nhất đối với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn.
Từ những lý do trên và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, việc triển khai xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” là hết sức cần thiết.
Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, cho rằng, mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Cùng với đó, đề án đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá trị cao...